Một buổi chiều, khi đang ngồi trong quán cà phê nhỏ, mình bắt gặp một nhóm bạn trẻ say mê thảo luận về chiến lược chơi và những lần quay gacha may mắn. Họ nói về niềm vui khi mở được những nhân vật hiếm, cảm giác hồi hộp khi chờ đợi kết quả từ việc quay gacha, và cả những lần thất vọng khi không quay trúng vật phẩm mong muốn. Đó là lý do bài viết này ra đời để trả lời cho sự “mê hoặc” của gacha là gì mà các nhà thiết kế game đã khéo léo lồng ghép vào từng chi tiết, biến mỗi lần quay gacha không chỉ là một trò chơi may rủi, mà còn là một trải nghiệm cực thú vị.
Đồng thời game gacha cũng đã trở thành công cụ kiếm tiền hàng đầu vô cùng thành công tại thị trường game Nhật Bản.
Gacha là gì?
Từ Gacha là từ viết rút gọn của “gachapon”, đây là một loại máy bán hàng tự động của Nhật Bản phân phối các viên nang nhựa chứa đồ chơi bên trong. Các đồ chơi thường là nhân vật chính từ các bộ anime, manga, game nổi tiếng. Thông thường mục tiêu của người chơi là hoàn thành một bộ sưu tập của riêng họ.
Gachapon là âm thanh mà máy tạo ra khi người chơi quay “Gacha” và “pon” khi nhận được vật phẩm rớt xuống khe.
Hiện nay các máy này vẫn được sử dụng phổ biến ở xứ sở hoa anh đào. Đặc biệt loại hình Gacha này có thể gây nghiện cực mạnh. Nhiều loại vật phẩm hiếm có thể được đặt trong các viên nang để người chơi thu thập. Vì người chơi không biết họ sẽ nhận được món đồ chơi nào, họ phải tiếp tục chơi để hoàn thành bộ sưu tập, khoe với bạn bè hoặc thỏa mãn sở thích của mình.
Hầu hết các game mobile thành công gần đây của Nhật đều tích hợp cơ chế này. Đáng chú ý nhất là Puzzles & Dragons.
Khi thiết kế game, cơ chế Gacha cũng được đưa vào để tái hiện sự thỏa mãn mà các máy bán hàng tự động mang lại. Người chơi sẽ quay các Gacha ảo để nhận được các vật phẩm có giá trị trong game (trang bị hiếm, nhân vật, thẻ tướng hoặc những vật phẩm có giá trị cao). Nói cách khác, đây giống như hình thức xổ số hên xui và may rủi.
Game Gacha là gì?
Các trò chơi Gacha vận hành dựa trên nguyên tắc người chơi nạp tiền để mở các phần thưởng ngẫu nhiên trong game. Những phần thưởng này có thể là các vật phẩm, thẻ bài hoặc nhân vật mới. Mỗi nhân vật được phân loại theo cấp độ sức mạnh, phụ thuộc vào tỷ lệ xuất hiện của chúng – càng hiếm thì thường càng mạnh.
Khi nhận được vật phẩm hoặc nhân vật trùng lặp, người chơi có cơ hội nâng cấp chỉ số hoặc cấp sao cho những thứ họ đã sở hữu. Ví dụ trong Genshin Impact, việc nhận được nhân vật trùng lặp cho phép người chơi tăng cung mệnh của nhân vật đó, tối đa 6 lần.
Thiết kế game Gacha như thế nào?
Trước tiên, đừng bao giờ coi Gacha như một tính năng phụ hay thêm vào phút chót. Kinh nghiệm xương máu của mình cho thấy việc này chỉ tổ phí công sức mà hiệu quả chẳng đáng là bao. Thay vào đó, hãy đặt Gacha lên bàn thiết kế ngay từ những nét phác thảo đầu tiên của Game Design Document (GDD) và sử dụng các kiến thức design game của bạn làm ngay từ đầu.
Để Gacha thực sự phát huy sức mạnh, game của bạn cần hội tụ đủ 4 yếu tố then chốt:
- Nội dung đa dạng, sâu sắc
- Khơi gợi được cảm giác hào hứng, thôi thúc sưu tầm
- Liên tục cập nhật, mở rộng về nội dung để duy trì sức hút. Ví dụ: Nâng cấp, chuyển sinh nhân vật, mở khóa vùng đất mới,…
- Cơ chế tái sử dụng vật phẩm hợp lý (vì sẽ rất khó và lãng phí tài nguyên nếu mỗi lần mở Gacha mà người chơi nhận được những vật phẩm khác nhau). Ví dụ: Sử dụng thẻ vật phẩm để nâng cấp vật phẩm cao cấp hơn -> Dẫn đến việc thúc đẩy sưu tập các thẻ vật phẩm mà bạn cần.
Nhớ nhé, những yếu tố này cần được định hình ngay từ giai đoạn lên ý tưởng, sau khi bạn đã chốt được gameplay cốt lõi.
Mình biết có những game vẫn thành công dù “chắp vá” cơ chế Gacha sau khi ra mắt. Nhưng tin mình đi, đó không phải may mắn đâu. Chắc chắn các Game Designer đã có sự tính toán kỹ lưỡng từ trước rồi.
2 phương pháp thiết kế hệ thống gacha cơ bản
Gacha trong game thoạt nhìn có vẻ như phụ thuộc vào sự may mắn của người chơi, tuy nhiên, thực tế thì không đơn giản như vậy. Thiết kế Gacha là sự kết hợp giữa toán xác suất và việc phân phối nội dung.
1. Phương pháp thô
Đây là phương pháp cơ bản nhất. Bạn chỉ cần đặt tất cả các vật phẩm muốn phân phối vào hệ thống Gacha, gán cho mỗi vật phẩm một xác suất, sau đó để may mắn của người chơi quyết định.
Ví dụ: Một rương chứa 5 món đồ A (10%), B (15%), C (20%), D (25%), E (30%)
- Ưu điểm: Tiết kiệm chi phí cho người thiết kế và người cài đặt.
- Nhược điểm: Không đo lường được hành vi của người chơi và khó ước tính lợi nhuận đạt được.
2. Phương pháp có sự can thiệp
Phương pháp này là một phiên bản cải tiến của phương pháp thô. Mỗi vật phẩm được gán một trọng số để sau một số lần mở nhất định, tỷ lệ ra vật phẩm đó là 100%.
Ví dụ: Một rương chứa 5 món đồ A (10%), B (15%), C (20%), D (25%), E (30%) ở lần mở đầu tiên. Trọng số A’ (1%), trọng số B’ (5%), trọng số C’ (10%), trọng số D’ (15%) và trọng số E’ (20%). Các trọng số này sẽ tăng dần sau mỗi lần quay.
Vậy số lần quay tối đa để đạt được vật phẩm:
- Vật phẩm A = 1 + (100% – A)/A’ = 91 lần
- Vật phẩm B = 1 + (100% – B)/B’ = 18 lần
- Vật phẩm C = 1 + (100% – C)/C’ = 9 lần
- Vật phẩm D = 1 + (100% – D)/D’ = 6 lần
- Vật phẩm E = 1 + (100% – E)/E’ = 4.5 lần (khoảng lần mở thứ 4 và thứ 5 sẽ đạt được vật phẩm E).
Phương pháp này giúp bạn kiểm soát rõ ràng khoảng chi phí tối thiểu và tối đa cho mỗi vật phẩm trong Gacha, và xa hơn nữa là toàn bộ số tiền mà bạn phải chi tiêu cho nhân vật hoặc thậm chí là cho toàn bộ game của bạn.
Ví dụ trong game Genshin Impact:
- Xác suất để quay ra được nhân vật 5 sao là 0.6% và 0.7% cho vũ khí 5 sao
- Xác suất để gacha ra nhân vật và vũ khí 4 sao là 5.1%.
- Xác suất để mở ra nhân vật và vũ khí 3 sao là 94.3%
Tuy nhiên Genshin có cơ chế bảo hiểm (pity), đảm bảo cho người chơi không gặp quá nhiều rủi ro khi quay gacha nhiều lần:
- Đối với nhân vật 5 sao: Nếu bạn không nhận được nhân vật 5 sao sau 89 lần quay, lần quay thứ 90 sẽ đảm bảo 100% có nhân vật 5 sao.
- Đối với vũ khí 5 sao: Nếu không nhận được vũ khí 5 sao sau 79 lần quay, lần quay thứ 80 sẽ đảm bảo có vũ khí 5 sao.
- Đối với nhân vật và vũ khí 4 sao: Mỗi 10 lần quay đảm bảo có ít nhất một nhân vật hoặc vũ khí 4 sao.
Mỗi lần quay được tính là độc lập, vì vậy sẽ có khả năng trong 10 lần quay người chơi được nhận nhiều hơn 1 nhân vật 5 sao hoặc 1 nhân vật 4 sao.
4 mẹo tối ưu hóa hệ thống Gacha
1. Loại bỏ những vật phẩm không cần thiết cho người chơi
Khi người chơi đã nâng cấp vật phẩm lên mức tối đa, không nên tiếp tục đưa ra vật phẩm đó. Thay vào đó, hãy loại bỏ hoặc thay thế bằng một vật phẩm khác để duy trì sự hấp dẫn và giá trị của hệ thống Gacha.
2. Cơ chế Lò Rèn (Blacksmith)
Cần có một cơ chế như Lò Rèn để tái sử dụng các vật phẩm không còn giá trị. Điều này giúp người chơi có thể chuyển đổi những vật phẩm thừa hoặc không cần thiết thành những tài nguyên hoặc vật phẩm hữu ích hơn, từ đó tăng tính linh hoạt và sự hài lòng của người chơi.
3. Làm mới danh sách vật phẩm trong Gacha
Để giữ cho hệ thống Gacha luôn hấp dẫn và mới mẻ, cần thường xuyên cập nhật và làm mới danh sách vật phẩm. Những trò chơi như Genshin Impact, Summoner War đã liên tục thay đổi và cập nhật nhân vật và vật phẩm mới để giữ chân người chơi.
4. Lên kế hoạch phân phối Gacha
Việc lên kế hoạch phân phối Gacha cũng rất quan trọng. Ví dụ, một số rương có thể chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định (theo season) hoặc trong những vùng đất cụ thể (theo đặc điểm địa lý). Điều này không chỉ làm tăng tính thú vị và thách thức cho người chơi mà còn giúp nhà phát hành kiểm soát và tối ưu hóa quá trình phân phối vật phẩm.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về gacha là gì và cách để các game designer có thể thiết kế hệ thống gacha hấp dẫn nhất. Hệ thống này không chỉ mang lại niềm vui bất ngờ khi nhận được phần thưởng hiếm, mà còn thúc đẩy tính cạnh tranh trong cộng đồng game thủ. Gacha cũng góp phần tạo nguồn thu cho các nhà phát triển, từ đó có thể tái đầu tư để cải thiện và nâng cấp tính năng trò chơi.
Xem thêm: