Khi bắt đầu hành trình trong lĩnh vực Thiết kế Game, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là học cách viết Game Design Document (GDD). Bài viết này sẽ hướng dẫn cách viết Game Design Document dành cho những bạn mới bắt đầu, mình sẽ chia sẻ các phương pháp dễ dàng tiếp cận nhất, đồng thời cũng sẽ đưa ra một mẫu minh họa để các bạn có thể tham khảo nhé.
Game Pitch: “Tóm tắt” cho ý tưởng game của bạn
Trước khi viết GDD, bạn cần có một Game Pitch – bạn cứ hiểu đây là một bài thuyết trình ngắn gọn và súc tích về ý tưởng game của bạn. Game Pitch sẽ là bản phác thảo giúp bạn trình bày cho team, nhà đầu tư hay những người bạn hiểu sơ bộ về ý tưởng game của mình.
Nhưng bạn hãy nhớ, Game Pitch càng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn bao nhiêu thì càng dễ thu hút sự chú ý và ủng hộ từ mọi người bấy nhiêu. Thời gian để trình bày không nên vượt quá 5 phút.
Để có một Game Pitch hiệu quả, bạn phải trả lời được những câu hỏi này:
- Game của bạn sẽ mang đến trải nghiệm gì cho người chơi?
- Bạn nhắm đến đối tượng nào? Tại sao?
- Game của bạn có gì độc đáo, thu hút để người chơi muốn thử?
- Bạn có đủ nguồn lực (thời gian, kinh phí, đội ngũ) để hiện thực hóa ý tưởng này không?
Nếu như thất bại ngay từ bước này, bạn sẽ cần phải làm lại từ đầu.
Game Design Document là gì?
Game Design Document (GDD) là một hoặc nhiều bản thiết kế chi tiết cho game của bạn. GDD sẽ được cập nhật và điều chỉnh liên tục trong suốt quá trình phát triển game. Nó như một cuốn sách hướng dẫn để đảm bảo mọi người trong team cùng chung “tiếng nói” về ý tưởng game. GDD cũng là kim chỉ nam giúp quá trình sản xuất game diễn ra hiệu quả hơn.
Cấu trúc cơ bản của một Game Design Document
Thực tế, không có một mô hình cụ thể nào cho cấu trúc của một Game Design Document. Cấu trúc này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại hình game, kiến thức thiết kế game, đội ngũ phát triển, và quy mô của dự án.
Giai đoạn định hình (Pre-Production)
Một GDD ở giai đoạn này cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
- Gameplay: Nói về cách thức chơi game, các quy tắc và cơ chế cơ bản.
- Coreloop: Quy trình lặp lại trong hệ thống nhằm giữ chân người chơi. Ví dụ làm nhiệm vụ hằng ngày để nhận phần thưởng. Nhiệm vụ hàng ngày nào cũng phải lặp đi lặp lại đúng các nhiệm vụ ban đầu và sẽ nhận phần thưởng khi hoàn thành.
- Game Elements và Game Mechanic: Những yếu tố và cơ chế tạo nên gameplay hấp dẫn.
- Game Story: Câu chuyện của game (nếu có).
- Art Style: Phong cách thiết kế hình ảnh, tạo hình nhân vật, môi trường, giao diện.
- Game Flow: Sơ đồ luồng game, mô tả cách người chơi trải nghiệm game (có thể minh họa bằng phương pháp sơ đồ khối hoặc giao diện thô).
- Monetization: Mô hình kiếm tiền của game.
Giai đoạn phát triển (Production)
- Level Design: Thiết kế các màn chơi.
- Sound Design: Thiết kế âm thanh cho game.
Ví dụ: Âm thanh bước chân sẽ được phát khi nhân vật di chuyển và sẽ lặp lại liên tục (Play Loop) – bởi vì âm thanh gốc chỉ có một đoạn tiếng bước chân cho cả chân trái và chân phải.
- UI/UX Design: Thiết kế giao diện người dùng.
- Tutorial: Kịch bản trong game để hướng dẫn người chơi.
Ví dụ:
- Kịch bản hướng dẫn cho người chơi mới.
- Kịch bản hướng dẫn cho phần chơi mở rộng.
Ngoài những phần cơ bản trên, bạn có thể bổ sung thêm các phần khác:
- Marketing & PR: Chiến lược tiếp thị và quảng bá game.
- Technical Document: Tài liệu kỹ thuật cho lập trình viên.
Ví dụ Game Design Document template cho game phiêu lưu đơn giản
Game Title: The Lost Treasure
Gameplay: Trò chơi phiêu lưu 2D, người chơi điều khiển nhân vật chính khám phá thế giới, giải câu đố và thu thập kho báu.
Coreloop: Khám phá -> Giải đố -> Thu thập kho báu -> Tiến lên cấp độ mới.
Game Elements:
- Nhân vật chính: Một nhà thám hiểm trẻ tuổi, có thể di chuyển, nhảy, tương tác với môi trường.
- Môi trường: Thế giới được thiết kế theo phong cách cổ điển, với các địa hình đa dạng.
- Giải đố: Các câu đố dựa trên logic và các câu đố liên quan đến tiến trình phát triển nhân vật.
- Kho báu: Các vật phẩm quý giá cần được thu thập để hoàn thành nhiệm vụ.
- Art Style: Phong cách pixel art cổ điển.
Game Flow:
- Màn chơi đầu tiên: Giới thiệu nhân vật chính và cốt truyện.
- Màn chơi thứ hai: Giới thiệu các cơ chế cơ bản của game.
- Màn chơi tiếp theo: Cho các thử thách ngày càng khó hơn.
Monetization: Bán vật phẩm trong game.
Level Design:
- Level 1: Rừng rậm.
- Level 2: Đền thờ cổ.
- Level 3: Hang động bí ẩn.
Sound Design:
- Nhạc nền: Âm nhạc phiêu lưu nhẹ nhàng.
- Âm thanh hiệu ứng: Âm thanh khi di chuyển, tương tác, chiến đấu.
Kết luận
Viết Game Design Document là một công việc khá khó nhằn, nhưng nó là “chìa khóa” giúp bạn chinh phục những thử thách đầu tiên trong hành trình trở thành game developer. Hãy nhớ rằng, GDD chuẩn chỉnh sẽ giúp team làm việc hiệu quả, “đứa con tinh thần” của bạn sẽ ngày càng hoàn thiện. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm: