Có ai từng chơi game online mà chưa nghe đến cái từ “rank” (xếp hạng) không? Mình cá là không đâu. Hồi còn trẻ trâu, mình cũng như bao game thủ khác thôi. Có hôm ngồi cày LOL tới sáng luôn, chỉ vì muốn lên thêm vài bậc rank. Mà nghĩ lại thấy tức cười, nhưng lúc đó đúng là nghiện thật. Cái hệ thống xếp hạng trong thiết kế game nó có ma lực gì ấy, kéo mình vào không dứt ra được.
Mà không chỉ có mình đâu, biết bao nhiêu người sẵn sàng đổ tiền vào game chỉ để leo rank. Nó như kiểu càng chơi càng muốn được anh em công nhận ấy. Cứ như bị “thôi miên” vậy, nhưng mà vui thật!
Tuy nhiên có thể còn nhiều bạn vẫn chưa hiểu rank là gì và cách các Game Designer thiết kế hệ thống xếp hạng này như thế nào và đó là lý do bài viết này ra đời.
Rank là gì?
Rank (xếp hạng) là cấp bậc có thể được thăng tiến sau những trận đấu của người chơi trong game. Trong các game online, để đạt được những cấp bậc này, người chơi phải tham gia vào các trận đấu xếp hạng (Ranked Match), một chế độ luôn thu hút lượng người chơi đông đảo nhất trong game.
Khái niệm về rank có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự cần đặt ra là: “Làm thế nào để xây dựng một hệ thống xếp hạng đủ hấp dẫn để giữ chân người chơi?”.
Các yếu tố chính của một hệ thống rank là gì?
Sau khi đã hiểu rank là gì thì thông thường sẽ có 3 yếu tố chính để làm nên một hệ thống rank hoàn chỉnh ở đa số các thể loại game online hiện nay, bao gồm:
- Elo.
- Matchmaking.
- Cấp bậc.
Giá trị của người chơi (Elo)
Elo là một thuật ngữ xuất phát từ cờ vua, do Árpád Elo phát minh. Trong kiến thức game design, Elo đại diện cho giá trị của người chơi, tương tự như một thước đo vị trí của họ trong hệ thống xếp hạng. Theo kinh nghiệm của mình, để cải thiện Elo, bạn cần chú ý đến nhiều yếu tố như tỉ lệ Thắng/Thua (Win/Lose), Điểm (score), Kill/Death (Tiêu diệt/Bị tiêu diệt),…
Elo không chỉ là một con số, mà còn là động lực thúc đẩy bạn liên tục nâng cao kỹ năng để tăng thứ hạng của mình.
Ghép trận (Matchmaking)
Matchmaking là quá trình đưa những người chơi có cùng mức Elo vào chung một trận đấu. Hệ thống ghép trận càng tốt, trận đấu của bạn sẽ càng trở nên thú vị và công bằng.
Điểm Elo thường được sử dụng làm phần thưởng chính trong các trận đấu, và hệ thống ghép trận luôn có cơ chế cộng/trừ điểm rõ ràng. Tuy nhiên, còn một thuật ngữ gọi là “Hell Elo”, tức là bạn gian lận trong game bằng cách không tôn trọng đồng đội và dâng hiến điểm cho đối thủ. Ví dụ trong game Liên Minh Huyền Thoại, bạn sẽ liên tục đóng vai “diễn viên” để dâng mạng và cống hiến tiền cho đối thủ build trang bị mạnh hơn để hủy diệt đội bạn nhanh chóng.
Lúc đó điểm Elo của bạn sẽ vô cùng thấp và bạn sẽ được sắp xếp vào những trận đấu với những người cùng “mindset”.
Cấp bậc
Mỗi khi bạn đạt được một cấp bậc mới, đó là minh chứng cho sự cố gắng và kỹ năng của bạn. Thông thường, bạn sẽ nhận được những phần thưởng giá trị và sự ngưỡng mộ từ anh em game thủ nếu cấp bậc cao. Đây cũng là nơi thể hiện sự cạnh tranh gay gắt, thúc đẩy bạn phấn đấu không ngừng để leo lên các bậc thang cao hơn.
Ví dụ như game Liên minh huyền thoại, cấp bậc sẽ có hệ thống được sắp xếp từ cao xuống thấp như:
Thách đấu -> Đại cao thủ -> Cao thủ -> Kim cương -> Lục bảo -> Bạch kim -> Vàng -> Bạc -> Đồng -> Sắt là thấp nhất.
Thiết kế hệ thống ghép trận dựa trên Elo
Như đã nêu ở trên, trong ba yếu tố chính (Elo, Matchmaking và cấp bậc), thì Elo và Matchmaking có mối quan hệ chặt chẽ trong việc xây dựng hệ thống ghép trận công bằng cho game thủ.
Matchmaking đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các trận đấu giữa những người chơi có Elo tương đương hoặc gần bằng nhau.
Hãy giả sử cho một trận đấu PVP 1v1, chúng ta sẽ có ví dụ cụ thể như sau:
- Khi tham gia đấu xếp hạng, hầu hết người chơi đều phải chờ để tìm đối thủ phù hợp – thời gian chờ này tạm gọi là Delta Time, thông thường sẽ dao động khoảng 30 giây.
- Trong những giây đầu tiên của quá trình Matchmaking, hệ thống sẽ tìm kiếm những đối thủ có Elo gần nhất với anh em – quá trình tìm kiếm này gọi là Matching Elo.
- Nếu sau một khoảng thời gian nhất định không tìm được đối thủ trong khoảng Matching Elo, hệ thống sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm – gọi là Delta Elo.
Chúng ta có ba đại lượng (Delta Time, Matching Elo, Delta Elo).
Một người chơi có Elo = 100, anh ta đang ở hạng Bạc, Matching Elo cho hạng này là 20. Delta Elo = 10. Delta Time = 30s.
Khi bắt đầu tìm trận, hệ thống sẽ quét các người chơi có Elo từ 80 – 120, ưu tiên những người chơi có điểm gần với người chơi đang tìm trận nhất.
Sau 30 giây, nếu không tìm được đối thủ phù hợp, hệ thống sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm từ 70 – 130 (cộng, trừ thêm Delta Elo = 10 vào).
Quá trình này tiếp tục diễn ra cho đến khi tìm được đối thủ phù hợp.
Các vấn đề phát sinh với hệ thống rank là gì?
Thời gian tìm trận đấu quá lâu
Dù công thức trên chỉ là những thứ cơ bản cần phải có, nhưng bạn cần phát triển một phương trình tăng tuyến tính cho Delta Time và Delta Elo phù hợp với game của mình để đảm bảo người chơi không phải đợi quá lâu. Nếu đợi quá lâu có thể dẫn đến người chơi sẽ không còn hứng thú với game của bạn nữa.
Không tìm được đối thủ ở bậc xếp hạng cao
Ở các bậc xếp hạng cao, việc người chơi tìm được đối thủ có cùng Elo phù hợp là rất khó, chưa kể đến thời gian chờ đợi kéo dài lên đến tận 4 – 5 phút là chuyện bình thường. Bởi thế nên khi bạn thiết lập hệ thống ranking, điều tiên quyết là cần nhận biết những người chơi này để cấp cho họ một Delta Time và Delta Elo phù hợp.
Đối phó với SnowBall (lăn cầu tuyết)
SnowBall là chiến thuật khi bạn đã “đè” được đối thủ ở phía bên chiến tuyến và bắt đầu cùng đồng đội đi khắp bản đồ để tiếp tục “đè” những đối thủ khác. Hãy đảm bảo rằng game của bạn có những phương thức chống SnowBall khi người chơi tìm được đối thủ có trình độ thấp hơn họ, tránh tình trạng mất cân bằng trong trận đấu.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ kiế thức về rank là gì. Thiết kế hệ thống rank trong game sao cho hấp dẫn chưa bao giờ là điều đơn giản, nhưng kết quả đạt được rất đáng để bạn dành thời gian để nghiên cứu về nó. Hy vọng một vài phương pháp ở trên có thể giúp bạn hiểu rõ về rank là gì và cho hệ thống mà bạn đang xây dựng. Nếu bạn có thắc mắc hoặc có cách hay hơn, hãy bình luận để chia sẻ cho mình cùng biết nhé.
Chúc các bạn sẽ có những phút giây trải nghiệm “cày rank” hiệu quả và thiết kế hệ thống xếp hạng chuẩn chỉnh cho game nhé.
Xem thêm: